Thể bị động – 受身動詞

Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu về thể bị động, một trong những phần ngữ pháp cơ bản trong tiếng Nhật. Đương nhiên mình chỉ giới thiệu về lý thuyết, phần thực hành thì bạn tự trải nghiệm nha 😌.

(Mà thật ra thì lý thuyết trang nào cũng có đăng hết mà 🤣)

thể bị động là gì?
  • Là cách diễn tả việc: người/vật bị ảnh hưởng về mặt vật lý hoặc tâm lý bởi người/vật khác.
  • Là câu văn được nói ra ở vị trí người bị ảnh hưởng
  • Các động từ thể hiện khả năng, hoặc thể hiện sự thay đổi, thì không có thể bị động. Ví dụ: ある、似合う、音がする、増える、なる、…
các loại câu bị động

Về mặt cơ bản thì có 3 loại chính:

  • Thể bị động ở Người
  • Thể bị động ở Vật (sở hữu của người), hoặc một phần thân thể của Người
  • Thể bị động ở Vật
  • (Ngoại lệ) Thể bị động của Tự động từ

Giờ mình cùng đi tìm hiểu và phân biệt từng loại nào!

thể bị động ở người

Tuỳ theo chức năng của động từ thì có thể chia thành vài nhóm nhỏ:

  1. 人を 動詞
  2. 人を 何に 動詞
  3. 人に 何を 動詞
  4. 人に 〜と言う/〜を頼む/〜を注意する 等

Đối tượng chính của câu là Người, còn chủ thể của hành động thì có thể là Người, hoặc là Vật chuyển động (động vật, máy móc,…)

Câu ví dụ cho từng loại:

  1. 先生は 私を        褒める
  2. 友達は 私を パーティーに 誘う
  3. 部長は 私に 田中さんを  紹介する
  4. 母は  私に 買い物を   頼む

Sau khi chuyển thành câu bị động:

  1. 私は 先生に 褒められる
  2. 私は 友達に パーティーに 誘われる
  3. 私は 部長に 田中さんを  紹介される
  4. 私は 母に  買い物を   頼まれる
Thể bị động ở Vật (sở hữu của người), hoặc một phần thân thể của Người

Về cơ bản thì cấu trúc giống với Thể bị động ở Người. Điểm khác duy nhất là sắc thái: Người bị ảnh hưởng bởi hành động, cảm thấy sự phiền toái, khó chịu. Do đó, khi đưa về câu bị động thể để mô tả, mình không đem “Vật” hoặc “Một phần thân thể” ra đưa làm chủ đề để đề cập.

Ví dụ:

  1. 弟は   私のパソコンを 壊した
  2. 女の人は 私の足を    踏んだ (電車で)

Sau khi chuyển thành câu bị động:

  1. 私は 弟に   パソコンを 壊された
  2. 私は 女の人に 足を    踏まれた (電車で)

Trong câu ví dụ, có 2 đối tượng có thể dùng làm chủ đề của câu:

  1. 私 và 私のパソコン
  2. 私 và 私の足

Tuy nhiên, nếu mình sử dụng 私のパソコン hay 私の足 để làm chủ đề của câu, thì sẽ dẫn đến việc: câu không thể hiện được sự khó chịu, phiền toái (bởi vì sự khó chịu, phiền toái xuất phát từ cảm nhận của Người, chứ không phải Vật).

Nếu muốn sử dụng Vật để làm chủ đề thì mình cùng chuyển sang loại câu thứ ba:

thể bị động ở vật

Ở cách dùng này thì đơn giản là nói, mô tả về một Vật gì đó, nhưng không cần nêu rõ hoặc không cần nêu về chủ thể của hành động.

Ví dụ (sau khi chuyển thành câu bị động):

  1. このビルは   5年前に 建てられた
  2. スパゲッティは 世界中で 食べられている
(ngoại lệ) thể bị động của tự động từ

Thông thường, động từ ở thể bị động thường là Tha động từ, tức là có đối tượng của hành động. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ, là Tự động từ cũng có thể đưa về thể bị động, để nhấn mạnh sự phiền toái, cảm giác khó chịu về mặt tâm lý.

Ví dụ:

  1. 雨に  降られて 大変だった
  2. 同僚に 帰られて 一人で仕事をしなければならない

Trong 2 câu ví dụ trên, “mưa” và “đi về” là Tự động từ nhưng vẫn có thể đưa về thể bị động để nhấn mạnh cảm giác khó chịu:

  1. Bị mắc mưa
  2. (Công việc nhiều thế này mà) Đồng nghiệp lại đi về, một mình phải xử lý hết công việc

Về Tự động từ / Tha động từ, bạn có thể học, hoặc ôn tập ở bài viết này nhé.

Bài viết về Thể bị động đến đây là hoàn thành. Cám ơn bạn đã đọc qua!